|
|
|
|
|
DI TÍCH HẬU KỲ ĐÁ MỚI
00:22 28/11/2011
[1575] |
|
|
|
Di tích Trà Phong
Là di tích được phát hiện và khai quật năm 2001. Địa điểm khai quật nằm bên triền đồi thung lũng sông Nước Niêu thuộc xã Trà Phong, huyện Tây Trà. Tầng văn hoá dày trung bình 0,65m, trong đó chứa các di vật như phác vật rìu, rìu vai, bàn mài, cuộn lăn gốm cùng rất ít mảnh gốm thô đỏ. Đặc trưng công cụ di tích Trà Phong khá gần gũi với văn hoá Biển Hồ (Tây Nguyên) ở loại hình rìu có vai chế tác từ đá lửa (shilex) rất cứng, hình dáng đốc dài, lưỡi xòe, vai ngang, thân hình cong lồi thấu kính, rìa lưỡi mài sắc. Loại bàn mài nhiều mặt cũng chế tác từ đá lửa, loại cuội lăn gốm có nguồn gốc từ sông suối và một khối đá nguyên liệu bằng ngọc thạch. Di tích Trà Phong thuộc thời đại đá mới ở giai đoạn hậu kỳ đã chớm qua sơ kỳ kim khí, có niên đại cách đây trên dưới 4.000 năm. Trên triền đồi thấp, gò thấp của vùng thung lũng sông Nước Niêu, sông Tang, sông Xà Lò,… Là những phụ lưu thượng nguồn sông Trà Khúc đều tìm thấy các công cụ đá như ở di tích Trà Phong. Cư dân hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí Trà Phong cư trú trên khu vực rộng của vùng thung lũng thượng nguồn sông Trà Khúc. Bộ sưu tập của cư dân hậu kỳ đá mới có đặc trưng riêng. Đó là loại rìu mài toàn thân và sử dụng đến tận cùng đốc rìu, loại rìu vai có nấc, loại bàn mài bằng đá lửa rất cứng được tận dụng trên mọi bề mặt của khối đá hình lập phương. Đặc biệt, khuyên tai đá hình bầu dục làm bằng đá cuội cát kết có xuyên lỗ để đeo. Hiện nay, các nhà khảo cổ học tìm thấy các hiện vật thuộc hậu kỳ đá mới ở vùng thấp hơn như Trà Xuân (Trà Bồng) và Gò Nà (Bình Sơn). Từ đó cho thấy, cư dân hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí Trà Phong có xu hướng tiến dần xuống đồng bằng thấp hơn để chiếm lĩnh, khai thác.
|
Nguồn tin : http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/Home/12790_4291/ |
|
|
|
|
|
|
|