Thứ bảy, 05/10/2024 Kính chào quý khách đến với website của HỘI CỰU HỌC SINH 87TƯNGHĨA.
  Tìm kiếm :    
                   Đăng nhập
              MENU
              VĂN THƠ
 
              LIÊN KẾT WEB
UBND Tỉnh Quảng Ngãi
Diễn đàn Nghĩa Trung
Trường THPT Trần Quốc Tuấn
HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
              TRUY CẬP
              THỜI SỰ QUẢNG NGÃI.....VĂN HÓA
 
     KIẾN TRÚC NHÀ Ở CỦA CÁC DÂN TỘC TRONG TỈNH 00:31 28/11/2011 [1770]
 
        

 Kiến trúc nhà ở dân gian của người Việt

 
 
Nhà tranh tre
Nhà tranh tre có 3 gian, 2 chái, mặt bằng ngôi nhà chia làm 3 phần: nhà chính, nhà ngang và nhà bếp, được đặt liền kề nhau theo kiểu chữ L. Giữa nhà chính và nhà ngang không có sự liên kết, song giữa nhà ngang và nhà bếp được làm chung một vách và một cửa thông nhau để cho các thành viên trong gia đình có thể đi lại, nấu nướng, ăn uống dễ dàng. Chuồng trại nuôi heo, gà được bố trí liên hoàn với nhà bếp. Thường bên phải nhà chính là chuồng nuôi trâu bò. Kiến trúc nhà tranh tre từ vật liệu tranh tre dễ tìm. Mái nha thường lợp tranh già và dày. Tranh lợp mái theo lối trải, đầu tranh cột lạt vào rui mè. Hệ thống đòn tay đỡ mái liên kết với kèo cột qua các chốt sẻ. Vách nhà bằng đất, cốt bên trong là tre làm mầm, cột nhà bằng tre ngâm.
 
Chức năng của nhà chính là thờ phụng, tiếp khách, đàn ông ngủ; nhà ngang chia làm 2 phần, gồm nơi ăn uống và bảo quản chế biến lương thực; bếp dùng để nấu nướng. Bên trong nhà chính có 8 hàng cột, chia mặt bằng sinh hoạt của nhà chính thành 3 gian: gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, phía trước đặt tấm phản gỗ và bộ ghế gỗ để tiếp khách đàn ông của ông chủ gia đình (nếu khách ở lại thì có thể ngủ trên phản đặt trước bàn thờ). Đây là không gian linh thiêng và trang trọng nhất của ngôi nhà. Nhà chính có một cửa chính để ra vào. Gian phía Tây có một góc buồng vách bằng phên liếp tre đan, gọi là buồng Tây, dùng để đặt đồ đạc và là chỗ ngủ của ông chủ gia đình. Phía ngoài được đặt thêm phản ngủ để dành cho con trai trong nhà. Trong gian này có một cửa phụ và một cửa chính ra vào. Gian phía Đông được dành cho đàn bà con gái trong nhà. Tại gian này, phía Đông ngăn phên liếp tre thành buồng riêng, gọi là buồng Đông, dành cho bà chủ trong gia đình (hoặc cho vợ chồng con trai trưởng, nếu gia đình đó phân chia thêm một tiểu gia đình). Trong gian này có phản gỗ dùng cho con gái trong nhà sinh hoạt, ngủ và bà chủ gia đình tiếp khách nữ trên tấm phản gỗ được đặt trong gian giữa của ngôi nhà (lệch với bàn thờ). Trong gian này có một cửa chính ra vào.
 
Kiến trúc nhà tranh tre có đến 32 cột, trong đó 16 cột chính. Cột nhà được làm từ loại tre đặc ruột, ngâm chín, rất bền chắc. Trong không gian ngôi nhà số lượng cột chia thành 8 hàng ngang để đỡ 8 vì kèo tre. Vì kèo thường là kiểu vì kèo gác trính chuyền. Vì kèo liên kết với cột bằng hệ thống chéo dọc, gác qua hệ thống trỏng nóc (trụ chồng) để đỡ thượng lương. Các trỏng nóc đặt trên điểm giữa của trính cặp thượng, lực đè sẽ được phân đều qua hai trụ cột chính. Trính cặp hạ là hai thanh tre dài, liên kết với đoạn cuối của hai tay kèo, gác qua hai cột nhì và tiền hậu (cột vách), liên kết với hai cột chính ở giữa lòng nhà bằng hệ thống chốt sẻ. Trính cặp hạ phân đều qua 4 cột. Ở hàng cột nhì tiến và hậu kết cấu kèo phụ gồm hai đoạn tre liên kết kèo cột theo thế tung hoành để đỡ mái, chống gió xoáy giật. Để tăng cường sự bền vững của ngôi nhà, người ta đào sâu lỗ cột vách và cột hiên, lấy tre nẹp chặt để làm cừ chống gió bão gây đổ nhà. Phần mái lợp tranh già, các tấm tranh lợp theo lối lợp lớp hoặc kéo trài, đầu tấm tranh buộc lạt chắc chắn vào tui mè và hệ thống đòn tay. Trên nóc nhà có hai lớp tranh được xếp dày gọi là sắp nóc để chống dột và che mưa nắng. Để tăng cường sự bền vững cho ngôi nhà, người ta dùng tranh già, tre ngâm để xây dựng. Nhìn chung, loại hình nhà tranh vách đất tuy đơn giản, song kết cấu kiến trúc khá công phu. Sự liên kết giữa các bộ phận luôn luôn phù hợp, cân xứng và giữ đúng chức năng, đem lại sự bền vững cho ngôi nhà.
 
 
Nhà rường
Nhà rường là loại hình nhà ở kiên cố bền vững, kết cấu bộ khung nhà gồm cột, trính, xuyên, rui mè bằng gỗ tốt chịu lực. Quảng Ngãi có rất nhiều nhà rường, được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Niên đại xây dựng những ngôi nhà rường thường có từ 100 năm đến trên 150 năm. Các ngôi nhà rường cổ ở Quảng Ngãi hầu hết là của những dòng họ, gia đình giàu có, có địa vị nhất định trong xã hội. Nhìn chung mặt bằng kiến trúc nhà chính và nhà phụ của nhà rường đều ở dạng chữ nhất hay chữ đinh, một nửa phần trên giống chữ L. các ngôi nhà rường đều được xây dựng theo thuật phong thủy như hướng nhà, giờ động thổ; nếu hướng nhà ít được thuận lợi thì người ta làm thêm bức bình phong. Mỗi  ngôi nhà rường có hệ thống các công trình phụ, như giếng nước, bếp, chuồng trại,…
 
Nhà rường có hai dạng, gồm dạng nhà rường điển hình và dạng nhà song nga. Hai dạng này khác nhau ở lối kết cấu và lối bố trí không gian sinh hoạt bên trong ngôi nhà. Phần vỏ mái có khi lợp tranh hoặc lợp ngói âm dương; tường thường được xây bằng gạch hoặc đá ong.
 
Nhà rường có 5 gian, gồm 3 gian chính và 2 gian phụ (chái), cá biệt cũng có nhà đến 7 gian (5 gian chính và à gian phụ). Thông thường số hàng cột của nhà rường dao động từ 4 đến 7 hàng cột. Giữa lòng nhà có hàng cột cái (cột chính) cao to, với các tên gọi khác nhau: hai cột trong phía Đông gọi là nhứt đông hậu, hai cột trong phía Tây gọi là nhứt tây hậu, hai cột ngoài phía Đông gọi là nhứt đông tiền, hai cột ngoài phía Tây gọi là nhứt tây tiền. Các cột cái này liên kết với kèo để đỡ khung nhà và mái. Cột thường được làm bằng gỗ mít, trau chuốt, dáng thượng thu hạ thách, các cột cái được nâng cao hơn bởi các bệ đá. Các cột quân (cột phụ) nhỏ hơn, cũng có các tên gọi như sau: dãy cột quân lùi bên trong hàng cột cái gọi là dãy cột hàng nhì hậu, dãy cột quân tiến phía trước hàng cột cái gọi là cột hàng nhì tiền. Hai dãy cột này để đỡ kèo nhì gác qua. Ở 4 góc nhà có 4 cột quyết để đỡ kèo quyết, chúng được phân chia thành đông hậu, tây hậu, đông tiền, tây tiền. Bốn cột vách đông tây gọi là cột đấm, có chức năng đỡ các kèo đấm thả xuôi từ cột cái. Các cột cái và cột quân chia không gian nhà ra làm 3 phần: gian chính giữa lẫn hai gian bên thờ phụng, tiếp khách và cũng là nơi ngủ của đàn ông. Hai chái hai bên là hai buồng gọi là đông phòng và tây phòng. Đây là buồng ngủ của phụ nữ và con cái. Dãy cột vách mặt trước nhà (hàng nhì tiền) gồm 4 cột được kè gỗ làm ngạch tạo thành 3 khuôn cửa để đặt 3 gian cửa bàn khoa bằng gỗ.
 
Kết cấu kiến trúc nhà rường với bộ khung nhà cột trính, xuyên, kèo liên kết với nhau bằng phương pháp chốt mộng chắc chắn. Bộ vì kèo chính với kiểu đâm trính, vì con đội đòn dông. Vách nhà thường là vách lụa trang trí ô hộc. Trên các đầu kèo thường chạm nổi hình long phù, mặt kèo trang trí những đường kẻ chỉ hay diềm hoa lá. Đặc biệt trên các kèo hiên (ngạo) thường trang trí hình cá chép hay giao long. Đôi khi hiên trước được xử lý nâng cao, rộng thoáng, với mục đích để làm các rui tàu trang trí các phù điêu theo mô tuýp điển tích cổ.
 
Cửa bàn khoa trong các ngôi nhà rường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên mặt diện cho ngôi nhà. Nhà rường thường có 3 gian cửa bàn khoa chính. Mỗi một gian cửa bàn khoa thường có 3 cánh hoặc 4 cánh liên kết nhau bằng chốt gỗ. Bệ dưới của mỗi cửa bàn khoa có ngỏng quay nhằm giúp cho việc đóng mở dễ dàng. Bệ trên đỉnh cửa có một chốt gỗ được tra theo chiều dọc, để đóng cửa. Mỗi cửa bàn khoa đều có chấn song nằm ở vị trí 1/3 cửa tính từ đỉnh cửa xuống, có tác dụng thông gió và quan sát bên ngoài. Bên trong chấn song còn có một tấm gỗ kéo có chức năng đóng mở. Mỗi gian cửa bàn khoa có cấu tạo bao áp cửa và trụ cánh dọc.
 
Nhà lá mái (nhà đắp)
Kiểu nhà này có hai mái, một mái đất và một mái phía trên có kèo tre lợp tranh. Giữa hai mái này là khoảng trống. Nhà lá mái có số lượng cột từ 36 đến 42 cũng như nhà rường. Tuy nhiên, các cột chịu lực ở giữa nhà đều có kích thước lớn gần như nhau, có tác dụng đỡ tầng mái đất nặng nề. Các cột vách thì nhỏ hơn. Vì kèo chính của nhá lá mái là kèo rường và vì kèo con đội đòn dông. Con đội được cách điệu kiểu đầu choãi cánh dơi, cánh phụng, chân đế cách điệu cánh sen. Vì kèo thượng đỡ thượng lương và xuôi về hai hàng cột cái, chốt mộng ở đầu cột, kèo hạ còn gọi là kèo nhì liên kết cột cái và hai hàng cột hàng nhì (tiền, hậu). Phía mặt tiền có hai kèo nối với cột hàng ba và hàng tư gọi là ngạo hàng ba (ngạo thượng) và ngạo hàng tư (ngạo hạ). Một số ngôi nhà ở ngạo hàng tư thay thế bằng bảng trần gỗ gọi là bảng rui tàu chuyển đai, bề mặt được trang trí ô hộc và nhiều mô tuýp hoạ tiết khác nhau theo kỹ thuật chạm nổi. Phần mái bên trên là vỏ mái tranh, hoặc ngói được đỡ bởi hàng cột chống cắm thẳng qua trần đất mái dưới và gắn trên đầu các cột. Phần mái dưới được đắp đất, bên dưới có một lớp ván gỗ nhỏ tạo cho trần đất luôn bền chắc.
 
Bên trong nội thất của kiểu nhà lá mái có rất nhiều tác phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo, chúng được thực hiện từ bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ theo hai kỹ thuật là chạm thủng và chạm nổi. Nghệ thuật trang trí chạm khắc gỗ được thể hiện ở khắp ngôi nhà, từ hệ thống bảng lồng, bảng rui tàu, bảng võng đến các kèo, trụ chồng,… với nhiều chủ đề trang trí khác nhau. Nhà lá mái của ông Lê Lý ở Lý Sơn là một điển hình. Ngôi nhà có 42 cột, trong đó có 8 cột cái cao to chắc chắn xếp thành hai hàng, tiếp đến là dãy cột hàng nhì, dãy cột hàng ba và dãy cột hàng tư. Với 6 hàng cột chính đã chia không gian ngôi nhà thành 5 lớp, tính từ trong ra ngoài: Lớp 1 đặt bàn thờ tổ tiên, lớp 2 dùng lễ bái, lớp 3 và lớp 4 là nơi tiếp khách, lớp 5 là hiên ngoài. Giữa lớp 2 và lớp 3 được ngăn cách nhau bởi hệ thống cửa bàn khoa bên trong, giữa lớp 4 và lớp 5 ngăn cách nhau bởi hệ thống cửa bàn khoa bên ngoài. Đây là nhà lá mái có hai lớp cửa, một kiểu nhà phòng thủ (chống giặc tàu Ô) rất đặc trưng ở đảo Lý Sơn.
 
 
Kiến trúc nhà ở của người Hrê
 
Mỗi làng người Hrê cư trú thường có khoảng vài chục ngôi nhà sàn. Nhà sàn của người Hrê được xây dựng quần tụ theo chiều ngang của triền chân đồi. Các ngôi nhà được bố trí theo từng lớp từ thấp đến cao. Người Hrê gọi làng của minh là plây, cách gọi này giống với cách gọi của các dân tộc Bana, Giarai,… Làng xóm Hrê được xây dựng dọc theo các con sông. Mặc dù tộc người Hrê cư trú trên địa vực rộng lớn của vùng núi rừng miền Tây Quảng Ngãi, song họ vẫn bảo lưu được tập quán xây dựng làng theo lối riêng của dân tộc mình. Làng Hrê có chung những đặc điểm xây dựng theo địa hình cảnh quang, được bố trí kiến tạo ven theo triền chân đồi, cao ráo, quang đãng. Người Hrê luôn luôn chọn vị trí làng của họ ở về phía Đông, Tây hoặc phía Nam triền chân đồi. Họ lấy quả đồi nơi cư trú hoặc những dãy núi xung quanh để che chắn ngọn gió Bấc của mùa Đông khắt nghiệt. Làng luôn quay mặt về phía có gió nồm để được thoáng mát, đón ánh sáng mặt trời buổi sáng để đề phòng và trừ khử dịch bênh. Làng Hrê luôn luôn xây dựng liền kề với vùng ruộng canh tác.
 
Người Hrê làm nhà vào thời gian tháng 8 và tháng 9 trong năm. Các loại gỗ rắn chắc như gỗ ké, gỗ mít… được ưa chuộng, dùng làm cột sàn, cột vách, kèo, trính. Người Hrê thường đốn cây gỗ vào ngày 29, 30 (âm lịch) của các tháng Hè và Thu, bởi vì trong thời điểm này nhựa thân trở nên ít, khiến cho các thớ gỗ không bị mối mọt phá hoại. Khi xây dựng các nhà sàn, người Hrê đặc biệt chú ý không để đường đi trong làng đêm thẳng vào cửa giữa (mang), cửa trước (móc inh chin) và cửa sau (móc inh doong), vì điều đó sẽ xảy ra đau ốm, bệnh tật cho gia chủ hoặc những điều không hay khác cho gia đình.
 
Thời gian để dựng hoàn thành một ngôi nhà sàn Hrê trong vòng từ 4 đến 6 ngày theo một số thao tác, quy trình như sau:
 
Bước 1: dựng 2 hàng cột sàn và cột vách
Bước 2: dựng bộ khung nhà gồm: gác trính, xà qua các đầu cột theo kiểu ngoài buộc dây mây, đồng thời gác tay kèo ở hai đầu hồi, sau đó gác đòn tay mái nằm theo chiều dọc của ngôi nhà.
Bước 3: vỏ mái gồm ron, mè kết cấu theo lối buộc nẹp ngang dọc song song nhau và được làm trước ở dưới mặt đất, sau đó đưa lên buộc vào các đòn tay mái để làm vỏ mái.
Bước 4: Tạo dựng sàn bằng hệ thống cây ngang dọc, có kết cấu với nhau hết sức chặt chẽ qua hệ thống dây buộc vào cột nhà và cột nâng sàn, sau đó mặt sàn được trải lớp giát sàn bằng tre ken mây phẳng phiu. Vách nhà được làm bằng tre đan phên ken dày, hoặc dùng cây rừng tròn, có đường kính 2- 2,4cm ghép sát vào nhau lấy dây mây buộc chặt.
 
Do kết cấu kiểu dạng và lắp ráp như trên nên khi dỡ nhà, người Hrê thao tác rất nhanh. Trước tiên họ tháo rời mái nhà bằng cách cắt các dây buộc hai mái liên kết với nhau qua đòn giông (rú qua) và tách rời mái với phần đầu cột và vách nhà, sau đó họ tách khiêng đi hai mái rời của ngôi nhà đi đến nơi mới. Mặt bằng sinh hoạt của nhà người Hrê gồm hai đầu tra sàn ngoài là nơi tiếp khách, sinh hoạt của ông bà chủ nhà. Bên trong tính từ cột thiêng trở đi là nơi ở của hai vợ chồng chủ nhà, tiếp đến là con lớn đến con nhỏ. Nhà Hrê có 2 cửa chính ở hai đầu tra và một cửa mang ở hông nhà.
 
Một vấn đề quan trọng khác không thể không đề cập trong kết cấu kiến trúc nhà sàn của người Hrê là cách thức buộc mây để liên kết các bộ phận kiến trúc của ngôi nhà sàn. Phương pháp liên kết bằng cách thức buộc mây là phương pháp phổ biến, sáng tạo, độc đáo và là đặt trưng trong ngôi nhà sàn Hrê. Trên mái nhà của người Hrê còn có biểu tương hai cặp sừng trâu bằng rơm.
 
 
Kiến trúc nhà ở của người Cor
 
Nhà ở dân gian truyền thống của người Cor là nhà xlúp, là kiểu nhà dài của một làng cùng cư trú. Hiện nay kiểu nhà này không còn nữa, họ đã tách ở riêng theo kiểu nhà trệt. Nhà sàn xưa kia của người Cor giống một toa tàu hỏa. Dân làng góp sức làm chung ngôi nhà, sau đó từng hộ được chia diện tích để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Bao giờ vị trí máng nước đổ về cũng ở phía đầu nhà. Ngôi nhà có thể được nối dài thêm khi có những gia đình đến nhập cư sau. Dưới gần sàn dùng xếp củi, nhốt lợn, gà; trên sàn thì người ở. Ngoài ra, nhà còn có 2-3 sàn phụ để phơi lúa, cất đồ đạc, sấy thuốc lá…
 
Hiện nay, những ngôi nhà trệt có từ 3- 5 hộ hay 6-7 hộ cùng cư trú còn khá phổ biến. Đó là kiểu nhà xlúp truyền thống nay được biến dạng qua kiểu nhà trệt vách đất hoặc vách bằng tre nứa nhưng vẫn giữ nguyên không gian cư trú như xưa của các hộ gia đình. Mỗi hộ cư trú bên trong ngôi nhà dài đó được tách riêng bằng các bức ngăn làm từ gỗ rừng hay tre nứa đập giập. Ngôi nhà này tuy có cửa ra vào trổ ở mặt bên, nhưng lối đi lại dọc từ đầu đến cuối nhà vẫn giữ nguyên. Lối kết cấu vì cột còn thông dụng, tương tự ở các dân tộc miền núi khác trong khu vực Trường Sơn- Tây Nguyên. Đặc biệt, trong nhà có bộ phận sạp ngủ, là sự lặp lại cách làm sàn.
 
Mặt bằng sinh hoạt chính trong ngôi nhà truyền thống của người Cor chia làm ba phần theo chiều dọc nhà đó là: truôk, tumgươl. Truôk là đường hành lang chạy suốt từ đầu đến cuối nhà, hai phía đều thông ra ngoài qua cửa. Tum là phần không gian sinh hoạt cho từng hộ, ở đó có đặt bếp lửa, chỗ ngủ của các cặp vợ chồng, con cái và các vật dụng đồ đạc. Từ các buồng đó đều mở cửa trông ra truôk. Đối diện với Tum quan truôk gươl- phần diện tích để thoáng, không ngăn thành các buồng. Nơi đây chủ yếu dùng làm chỗ sinh hoạt cho đàn ông: tiếp khách, uống rượu, cúng, ngủ, gõ chiêng,…
 
Hình thức nhà xlúp của người Cor là kiểu kiến trúc khá đặc biệt ở vùng Trường Sơn- Tây Nguyên, có thể tìm thấy bóng dáng ngôi nhà này ở một số tộc người trên các quốc đảo vùng Thái Bình Dương. Nhà xlúp là hình thức quần cư của cả cộng đồng làng trong không gian nóc nhà dài. Ở đây khái niệm làng- nóc dung hợp làm một. Hình thái cư trú nhà dài truyền thống của người Cor xưa kia là một cách bảo tồn cộng đồng trước sự tác động bất lợi từ bên ngoài.
 
Ngày nay, hầu hết đồng bào Cor đã và đang chuyển sang làm nhà trệt vách ván hoặc vách nứa, mái lợp tranh hay lá gồi, một số gia đình giàu có còn thuê thợ đồng bằng làm theo kiểu nhà xuyên trính ở đồng bằng miền Trung.
 
Kiến trúc nhà ở của người Ca Dong
 
Đơn vị cư trú của tộc người Ca Dong là plây pla (làng xóm). Các ngôi nhà sàn trong làng được xây dựng tùy theo địa hình nhưng buộc phải nằm theo cùng một hướng, không được cắt phá nhau. Vì vậy nhìn từ xa các ngôi nhà sàn Ca Dong phân bố theo từng lớp trên sườn đồi trông rất đẹp.
 
Do điều kiện sinh sống trên núi cao nên việc chọn đất làm nhà lập làng của người Ca Dong là một việc không đơn giản. Họ lập làng trên các khu vực đất bằng phẳng ở vùng triền đồi, chân núi, triền đất cao trong vùng thung lũng. Làng phải gần vùng ruộng, rẫy canh tác, phải tránh lập làng gần kề suối, sông vì có nhiều rũi ro vào mùa mưa lũ. Đặc trưng tập quán cư trú xưa kia của người Ca Dong là theo hình thái cư trú nhà sàn dài của một đại gia đình phụ hệ, nghĩa là có nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ, cháu chắt cùng cư trú trong một ngôi nhà. Sự phân bố không gian của các tiểu gia đình trong ngôi nhà được tính từ cây cột thiêng cạnh bếp lửa. Ngày nay, hình thái cư trú kiểu này còn ít, mà thay vào đó là hình thái cư trú các tiểu gia đình.
 
Nhà sàn người Ca Dong ở hai đầu nhà đều có cửa và hai cầu thang lên xuống. Kết cấu kiến trúc nhà sàn người Ca Dong cũng như các dân tộc Cor, Hrê là ngôi nhà thường chia là 3 phần: cột sàn, vách và sàn, mái. Bộ khung nhà của người Ca Dong gồm cột nhà, cột sàn, xuyên, trính, kèo làm bằng các loại gỗ tốt. Kết cấu kiểu vì cột. các bộ phận kiến trúc liên kết với nhau bằng phương pháp ngoãm và buộc mây. Vách và sàn làm bằng nứa lồ ô. Mái nhà lợp tranh. Không gian bên trong ngôi nhà được bố trí: phía đầu nhà là bếp chính của gia đình, để dụng cụ nấu nướng và bát đĩa- đây là một trong những vị trí thiêng trong nhà. Dịch sang bên cạnh là cây cột thiêng dùng để cúng thần linh. Tính từ cây cột thiêng, không gian sinh hoạt trong ngôi nhà được phân chia như sau: gian cạnh bếp chính và cột thiêng là nơi ngủ của cha mẹ, tiếp đến là nơi ngủ của con cái trong gia đình từ lớn đến nhỏ. Vị trí ở gian giữa có cửa hông là nơi tiếp khách và khách ngủ ở đó. Người Ca Dong khi ngủ quay đầu về hướng thấp. Trong nhà, một bên vách đặt hàng ché đựng rượu, phía trên là giàn để dụng cụ và bắp trái. Đặc biệt ở trên vách của gian tiếp khách, chủ nhà thường để cung tên, xương má của các loài thú săn bắn được.
Nguồn tin : http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/Home/12790_4300/
 
   Các tin cùng mục :
   Họa tiết cổ Chùa Ông - Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi
   BIÊN NIÊN SỬ QUẢNG NGÃI 1402- 2005
   Giới thiệu Quảng Ngãi
   DÂN CƯ - DÂN TỘC
   KIẾN TRÚC THÀNH QUÁCH Ở QUẢNG NGÃI
   DI TÍCH VĂN HÓA SA HUỲNH - Thuộc nhóm các di tích thời đại đồ sắt
   DI TÍCH VĂN HOÁ THỜI ĐẠI TIỀN SA HUỲNH - Thuộc nhóm các di tích thời đại đồng thau
   DI TÍCH HẬU KỲ ĐÁ MỚI
   DI TÍCH THỜI ĐẠI ĐÁ CŨ
 
Bản quyền thuộc Hội Cựu Học sinh 87 Tư Nghĩa
Mọi thông tin phản hồi xin gởi về : cuuhocsinh87tunghia@gmail.com hoặc tunghia87@gmail.com