Thứ bảy, 05/10/2024 Kính chào quý khách đến với website của HỘI CỰU HỌC SINH 87TƯNGHĨA.
  Tìm kiếm :    
                   Đăng nhập
              MENU
              VĂN THƠ
 
              LIÊN KẾT WEB
UBND Tỉnh Quảng Ngãi
Diễn đàn Nghĩa Trung
Trường THPT Trần Quốc Tuấn
HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
              TRUY CẬP
              THỜI SỰ QUẢNG NGÃI.....VĂN HÓA
 
     DÂN CƯ - DÂN TỘC 00:33 28/11/2011 [1730]
 
        

 

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ, DÂN TỘC
Quá trình hình thành, phát triển và phân bố dân cư, dân tộc trên địa bàn Quảng Ngãi từng có các lớp dân cư cổ sinh sống: cư dân Sa Huỳnh, cư dân Chămpa, kế đó là dân cư Việt (Kinh) chiếm vị trí chủ đạo.
 
Người Kinh hiện diện ở Quảng Ngãi bắt đầu chủ yếu từ thế kỷ XV trở đi, đa số là những nông dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thanh - Nghệ di cư vào khẩn hoang đất đai, lập thành làng mạc.
 
Dưới thời các chúa Nguyễn, có một số người Hoa từ các vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam (Trung Quốc) đến sinh sống ở Thu Xà, các cửa biển Sa Cần, Sa Huỳnh và một số điểm ở trung du. Người Hoa đóng vai trò tương đối quan trọng trong sự phát triển kinh tế của vùng đất Quảng Ngãi thời bấy giờ thông qua hoạt động buôn bán thịnh đạt ở Thu Xà. Nhưng trải qua các cuộc chiến tranh, người Hoa phần đã phiêu tán đi nơi khác, phần hòa nhập và cộng đồng người Việt, không còn các cộng đồng làng xã đặc thù.
 
Dưới thời Pháp thuộc, cho đến hết năm 1975, có một số người Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Chà Và (Java) đến sống ở Quảng Ngãi, nhưng chủ yếu là chuyển cư tạm thời, hoặc không thành cộng đồng riêng. Do vậy, ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi, ngoài dân tộc Việt là đáng kể nhất, không có cộng đồng nào khác.
 
Ở miền núi, về dân tộc có sự ổn định hơn. Miền núi Quảng Ngãi có các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong sinh sống; họ là cư dân bản địa lâu đời, sống theo từng khu vực và có sự đan xen nhất định, có sự giao lưu, buôn bán với nhau và với người Việt ở miền xui lên buôn bán, khai khẩn. Tư sau năm 1975, có một ít người các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc vào, song chỉ là đơn lẻ và hòa nhập vào các cộng đồng địa phương. Do vậy, nói đến dân cư, dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi cũng chỉ đề cập chủ yếu đến các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong và Kinh.
 
Đến năm 2005, dân tộc Kinh chiếm 88,8%, Hrê 8,58%, Cor 1,8%, Ca Dong 0,7%; số người thuộc 13 dân tộc thiểu số khác chỉ chiếm 0,12% dân số. Do vậy, nếu tính về dân tộc thì ở Quảng Ngãi có đến 17 dân tộc, nhưng thực chất cũng chỉ có 4 dân tộc có số lượng cư dân đáng kể. Nhìn chung, khối cộng đồng dân cư Quảng Ngãi phát triển theo tiến trình của lịch sử, cùng đoàn kết, chung sức chung lòng trong công cuộc chống phong kiến - đế quốc, dựng xây quê hương giàu đẹp.
 
II. THÀNH PHẦN DÂN TỘC
 
1. DÂN TỘC KINH (VIỆT)                               
Tộc danh chính thức gọi là Việt, nhưng để phân biệt với các dân tộc thiểu số, thì người Việt thường được gọi là người Kinh.
Có thể cư dân Việt đã có mặt đầu tiên ở Quảng Ngãi vào đầu thế kỷ XV. Năm 1402, qua cuộc xung đột giữa phong kiến Đại Việt và phong kiến Chămpa, vua Chămpa nhượng hai châu Chiêm Động và Cỗ Lũy Động cho nhà Hồ. Hồ Qúy Ly đổi đặt thành 4 châu Thăng, Hoa (Quảng Nam), Tư, Nghĩa (Quảng Ngãi). Hồ Qúy Ly ra lệnh cho dân có của cải mà không có ruộng đất ở vùng Nghệ An, Thanh Hoá đem vợ con di cư vào vùng đất mới để khai khẩn; việc di dân này phần nào có tính bắt buộc. Những người không có của cải, phương tiện canh tác thì nhà Hồ cấp phát trâu cho họ. Nhà nước vận động dân chúng: ai có trâu đem hiến nộp sẽ được cấp phẩm tước. Hồ Qúy Ly bắt buộc những người nông dân di cư không được quay về bản quán, sau khi đã thích dấu hiệu lên cánh tay của họ. Các sử sách chép rằng: chữ Châu được thích lên cách tay những người lưu dân. Đây là cuộc di dân đầu tiên của người Kinh đến vùng đất Quảng Ngãi.
Năm 1472, sau cuộc chinh phạt Chămpa của vua Lê Thánh Tông, vùng đất từ nam đèo Hải Vân đến núi Thạch Bi nằm trong sự quản lý của Đại Việt và được đặt thành đạo thừa tuyên Quảng Nam, gồm có 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân. Nhà Lê chiêu mộ dân chúng vào khai khẩn đất hoang và đồng thời khuyến khích quan lính ở lại mở mang đồn điền, phát vãng những tù nhân lưu đày vào nơi đây. Đây là những nguồn nhân lực chủ yếu để khai phá vùng đất mới. Nhà nước không có chế độ hạn điền, cho phép dân chúng mặc sức khai khẩn đất đai, cho phép thu lợi 3 năm trên vùng đất ấy rồi mới thu thuế. Đây là cuộc di dân lần thứ 2 của người Kinh đến vùng đất Quảng Ngãi. Cuộc di dân này rất quan trọng; đây là thời điểm bắt đầu hình thành nên những làng người Việt và những dòng họ lớn ở trên vùng đất thừa tuyên Quảng Nam.
Thời chúa Nguyễn, cư dân Việt ở Quảng Ngãi tương đối ổn định nhưng vẫn còn thưa thớt. Với ý đồ cát cứ phương Nam, chúa Nguyễn tiếp tục khuyến khích dân Việt từ vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay vào đây khai khẩn, lập nghiệp. Năm 1648, chúa Nguyễn đánh thắng chúa Trịnh ở Quảng Bình, bắt sống 30.000 quân lính, phiên đặt họ cứ 50 người thành một ấp, dọc theo bờ biển, bắt đầu từ Quảng Nam trở vào phía nam. Dấu vết của làng Việt này còn thấy ở làng Tráng Liệt (huyện Tư Nghĩa) mà gia phả còn truyền lưu.
Quá trình phát triển của dân tộc Kinh, được trình bày trên, là qúa trình phát triển lâu dài theo chiều thời gian, cụ thể là càng ngày cư dân càng phát triển lớn về số lượng.
Vùng cứ trú hiện nay của người Kinh tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và các thị tứ, thị trấn ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi; một số sinh sống đan xen với người dân tộc thiểu số ở miền núi. Khu vực đồng bằng, dân tộc Kinh có khoảng 1.077.841 người, chiếm 83,7% dân số toàn tỉnh và chiếm 94,8% tổng số dân tộc Kinh ở Quảng Ngãi.

 

2. DÂN TỘC HRÊ
Hrê là tộc người có số dân đứng thứ hai trong tỉnh Quảng Ngãi sau dân tộc Kinh.
Đến năm 2005, dân số Hrê ở Quảng Ngãi có 112.947 người, cư trú ở các huyện Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Ming Long, Ba Tơ, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa. Tuy địa bàn cư trú phân bố rộng như vậy nhưng dân tộc Hrê cư trú tập trung ở các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long. Người Hrê sống đan xen với người Kinh ở vùng tây các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa. Các làng Hrê đan xen với người Ca Dong ở địa bàn phía đông huyện Sơn Tây và sống đan xen với người Cor ở các xã phía nam của huyện Trà Bồng. Ngoài ra, một vài nhóm nhỏ của dân tộc Hrê cư trú ở huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) và huyện An Lão (tỉnh Bình Định).
Hrê là tộc danh chính thống của dân tộc này. Trước kia dưới thời triều Nguyễn và Pháp thuộc, người Hrê được gọi bằng những phiếm danh, có ý khinh miệt, như "Mọi Đá Vách", "Mọi Thạch Bích", "Mọi Sơn Phòng", “Thượng Ba Tơ", "Mọi Lũy", "Mọi Chòm", "Chăm Rê", "Chăm Quảng Ngãi"... Tuy nhiên, tên tự gọi của đồng bào Hrê thường theo tên của dòng sông lớn trong vùng. Chẳng hạn ở Minh Long có sông Rvá nên nhóm Hrê ở đây gọi là người Rvá; ở Ba Tơ có sông Liên nên gọi là người Nước Liên và nơi có sông Rhe thì gọi là người Hrê; ở Sơn Hà có sông Krế nên gọi là người Krế. Lưu vực sông Rhe được coi là ngọn nguồn của dân tộc. Sau cách mạng tháng Tám 1945 được thống nhất chung tên gọi dân tộc Hrê.
Theo truyền thuyết, nguồn gốc dân tộc Hrê gắn với núi Cao Muôn (huyện Ba Tơ) và núi Mum (huyện Minh Long). Tiếng Hrê thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme và thuộc ngành ngôn ngữ Bahnaric trong khu vực bắc Tây Nguyên. Tỷ lệ từ chung khá cao bên cạnh một số biểu hiện tương đồng giữa tiếng Hrê với tiếng Ba Na và Xơ Đăng. Đặc biệt, trong cộng đồng người Hrê còn lưu truyền văn tự cổ sơ nhất, là "văn tự thắt gút" bằng các gút mây buộc thắt (để đếm).
Người Hrê định cư thành từng làng (plây) với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Làng Hrê xây dựng ven triền đồi, phía dưới là thung lũng. Địa bàn cư trú nằm kề sát khu vực đất đai canh tác và gần nguồn nước. Đồng bào chỉ di chuyển làng khi có dịch bệnh. Nhà sàn Hrê nằm bố trí lớp lớp từ thấp lên cao, dựng ngang triền đồi, nằm gọn trên khoảnh đất cao ráo, thoáng đãng. Vòng rào làng xưa kia bao quanh vốn ken dày, dựng cao lên nhằm canh phòng kẻ gian và thú dữ, nay đã biến thành bờ dậu của từng nhà, hoặc vẫn rào quanh làng, nhưng chỉ để ngăn gia súc.
Trong xã hội truyền thống của người Hrê, làng là đơn vị cư trú, đồng thời là cộng đồng tự quản với những thiết chế sinh hoạt đã định hình từ lâu. Mỗi làng đều có chủ làng (krăng plây), là người lớn tuổi am hiểu nhiều kinh nghiệm, có uy tín, gia đình thuộc loại giàu có trong làng. Chủ làng là người cùng với thầy cúng (pơ dâu) tổ chức các lễ cúng của làng. Cá nhân chủ làng đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức bắc máng nước, làm đường, rào làng, hướng dẫn việc sản xuất, giải quyết các vụ xử phạt, tổ chức chuyển làng... Để làm những việc đó, chủ làng bàn bạc cùng với các thành viên trong hội già làng. Chủ làng hòa mình vào trong đời sống của cộng đồng. Dân làng dành cho chủ làng sự kính trọng và giúp đỡ chủ làng khi ngày mùa bận rộn... Chủ làng là chức vụ bầu theo lối dân cử, không theo nguyên tắc cha truyền con nối. Mỗi làng Hrê đều có thầy cúng là người thông thạo việc cúng tế thần linh. Ngoài ra ở mỗi gia đình, dòng họ đều có tộc trưởng, đó là những người già đứng đầu gia đình dòng họ. Các tộc trưởng quy tụ trong hội đồng già làng. Chủ làng bàn bạc công việc sản xuất, xử kiện... với các thành viên trong hội đồng già làng. Cuối cùng là các thành viên trong làng, những thành viên này cùng đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong một khối cộng đồng thống nhất.
Xã hội truyền thống xưa kia của người Hrê có sự phân hóa giàu nghèo, do chênh lệch về ruộng đất, về lao động và về thu nhập giữa các hộ gia đình. Trong xã hội đó có bốn tầng lớp người: người giàu (proong), người đủ ăn có chút ít dư thừa (lắp ká), người thiếu ăn, kinh tế khó khăn (pa), người đi ở vì nợ, nô lệ vì nợ (hapoong, dik). Lắp ká pa thường chiếm tỉ lệ chủ yếu trong cộng đồng Hrê. Tuy nhiên, những hộ thiếu ăn thường xuyên có khi rơi vào trường hợp đi ở vị nợ. Proong- người giàu và hapoong - người đi ở vì nợ thường chiếm tỉ lệ ít trong làng. Tiêu chí người giàu được xác định là người có nhiều ruộng rãi tốt, có nhiều trâu, lợn, gà, nhiều chiêng, ché quý, có kho thóc to, nhà cửa dài rộng, lễ tết có mặc đồ đẹp, mang nhiều trang sức. Tuy nhiên, người giàu trong xã hội Hrê thường không phải từ bóc lột mà chủ yếu từ sự lao động sản xuất cần cù, tích lũy của cải bằng khả năng lao động của chính mình. Hapoong là lớp người cùng cực nhất trong xã hội Hrê trước kia, vì nợ nần không trả được họ phải ở làm trả công cho chủ nợ, thường bị đối xử thấp hơn so với các thành viên khác trong làng. Ngày nay, trong cộng đồng Hrê không còn sự phân biệt giữa các tầng lớp người như trên.
Nhìn chung, xã hội Hrê vẫn mang tính cộng đồng nhất, đoàn kết gắn bó giữa các thành viên. Điều này thể hiện ở các hình thức vần đổi công, tương trợ, tục chia sẻ trong ăn uống lễ tết, sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Sự liên kết giữa các gia đình cũng như sự gắn bó của mỗi thành viên với làng dựa trên quan hệ thân tộc hoặc quan hệ làng giềng.
Nguồn kinh tế đem lại thu nhập quan trọng nhất trong đời sống của người Hrê là nông nghiệp trồng lúa nước. Các cánh đồng trồng lúa thường nằm men theo triền đồi thấp, tạo thành những vùng ruộng bậc thang đặc trưng. Do địa bàn cư trú xen giữa đồi núi và thung lũng nên người Hrê tận dụng địa hình để mở mang đồng ruộng rất đa dạng, có ruộng trên các dải đất cao, ruộng lầy ngập nước quanh năm, ruộng bậc thang nhỏ hẹp…Trên vùng ruộng đó gieo cấy các loại giống lúa nước mỗi năm hai vụ, nhưng phần lớn chỉ làm được một vụ. Canh tác ruộng nước của người Hrê bằng phương pháp cuốc, cày, bừa, cấy mạ… tương tự như người Kinh ở Quảng Ngãi. Đặc biệt, phương pháp đắp đập, dẫn thủy nhập điền của người Hrê khá phát triển. Người ta dẫn nước về ruộng bằng con mương đào dài hàng kilômét theo phương pháp thế năng. Ngoài ra, người dân còn làm đập bổi hay kè đá để nước dân lên ruộng. Ruộng nước được canh tác hai vụ, vụ đông – xuân thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 5, vụ hè – thu thu hoạch từ thánh 8 đến tháng 9 Âm lịch.
Nguồn thu nhập từ rẫy chiếm vị trí thứ hai sau thu nhập hoa lợi ruộng nước và cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Hrê. Một vụ lúa rẫy kéo dài từ tháng 3, tháng 4 đến tháng 8, tháng 9. Lúa rẫy được canh giữ chim thú từ khi còn nhỏ đến khi thu hoạch. Người ta làm chòi rẫy để giữ lúa, để nghỉ ngơi, tránh nắng mưa khi đang mùa sản xuất và chứa tạm sản phẩm thu hoạch trong lúc chưa kịp chuyển về làng. Rẫy canh tác theo lối luân canh, mỗi đám rẫy chỉ canh tác một vụ rồi trồng thứ khác hoặc bỏ hoang từ 3-5 năm, đợi rừng tái sinh mới canh tác tiếp, rồi lại bỏ hoang hóa…
Nghề thủ công cũng góp phần bổ sung quan trọng trong đời sống kinh tế tự cung tự cấp. Nghề thủ công truyền thống của người Hrê gồm có nghề dệt, đan lát. Đan lát là nghề của đàn ông, sản phẩm đan lát là các đồ dùng trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi trâu và chăn nuôi gia cầm tương đối phát triển. Sản phẩm chăn nuôi dùng trong buôn bán trao đổi, làm thực phẩm và dùng trong nghi lễ. Vùng cư trú của người Hrê nằm ở vị trí thông thương với Tây Nguyên xuống và đồng bằng lên nên rất thuận lợi trong trao đổi buôn bán. Thương nhân các nơi khác, nhất là người ở vùng xuôi qua lại từng làng Hrê mua hạt cau khô, hồ tiêu, mật ong, trầu, vải dệt… và bán công cụ sắt, áo quần, muối, chè, đồ trang sức…

 

3. DÂN TỘC COR
            Dân tộc Cor là dân tộc có số dân đông thứ ba trong tỉnh Quảng Ngãi và là dân tộc có số dân đông thứ hai trong các dân tộc thiểu số, sau dân tộc Hrê. Năm 2005, dân tộc Cor trong tỉnh Quảng Ngãi có hơn 24.550 người.
Địa bàn cư trú của dân tộc Cor ở các huyện Trà Bồng, Tây Trà của tỉnh Quảng Ngãi và một số ít của huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Xưa kia, người ta hay gọi người Cor là người Cua, người Trầu. Sau này, căn cứ vào phát âm khác nhau, người ta cũng ghi là Co, Cool, Kor…Tên tự gọi của dân tộc là Cor, là tộc danh chính thức. Đồng bào có ý thức tự giác tộc người cao, có ý bản địa và tự hào về truyền thống của tổ tiên. Người Cor có ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Môn-Khơme và thuộc nhóm ngôn ngữ Bahnaric phía bắc.
Đơn vị cư trú của người Cor là làng (plây). Plây bao gồm phần thổ cư của làng và tất cả các loại đất đai sản xuất hay không sản xuất, rừngooiColluiu núi, suối sông trong một phạm vi được xác định. Ranh giới của làng được truyền khẩu qua nhiều thế hệ, có khi là dòng sông suối hay gốc cây, tảng đá, đỉnh núi, con đường mòn… Toàn thể dân làng có quyền săn bắn, hái lượm, bắt cá, đốn gỗ, dùng nước, canh tác rẫy, làm vườn trên đất làng. Các làng thường nằm cheo leo trên sườn núi, làng có tên gọi riêng theo tên người đứng đầu làng, theo tên sông, suối, tên đất, tên rừng, cũng có tên làng phản ánh đặc điểm nào đó của nơi cư trú. Tuỳ thuộc chu kỳ quay vòng canh tác rẫy, đồng bào phải di chuyển chỗ ở, nhưng chỉ chuyển quanh trong khu vực đã xác định của làng mình.
Thiết chế xã hội truyền thống của người Cor là đơn vị tự quản. Đứng đầu là chủ làng (Kà răh plây), là người có uy tín cao, giàu kinh nghiệm làm ăn, giàu có, xử lý tốt các vụ tranh chấp và là dân gốc. Nhiệm vụ của chủ làng là đôn đốc sản xuất cũng như bảo vệ làng, tổ chức lễ cúng tập thể cùng các nghi thức tôn giáo khi chuyển làng, dàn xếp bất hòa nội bộ hoặc xích mích giữa làng đối với bên ngoài, chủ trì giải quyết các vụ vị phạm luật tục. Sự kính trọng của dân làng đối với vị đứng đầu làng của mình được thể hiện qua cư xử hàng ngày, qua việc mời ăn uống, việc tín nhiệm khi bàn bạc công việc chung hay riêng. Trong không gian nhà dài ( nhà xlúp), chủ làng thường ở khoảng giữa nhà để tiện điều hành sinh hoạt và liên hệ với các hộ khác. Trong làng có nhiều dòng họ kế tiếp nhau làm chủ làng, có thân thế mạnh trong cộng đồng người Cor. Trong hoàn cảnh xưa kia, vùng người Cor hay xảy ra xung đột, cướp phá, nên việc tổ chức làng tự vệ là yêu cầu rất cần thiết. Trong làng các trai tráng khoẻ mạnh họp thành nhóm dũng sĩ (gọi là lôk lôk, lôk kal - người dũng cảm, người can đảm). Đó là những thanh niên đàn ông khoẻ mạnh, có tài bắn nỏ, giỏi phóng lao đứng ra tập hợp trai làng bố phòng và chiến đấu. Nhiệm vụ của nhóm dũng sĩ là chống lại những kẻ phá hoại cuộc sống ổn định trong làng và chống giặc cướp, giữ gìn an ninh trong vùng.
Nội bộ làng Cor bao gồm các quan hệ láng giềng và quan hệ thân tộc cùng tồn tại và chi phối đời sống con người. Người trong làng, phần đông là họ hàng, dâu rể xa gần, quan hệ chằng chéo với nhau; số người thuần túy cộng cư, không có liên hệ huyết thống hay hôn nhân với gia đình khác chỉ là số người rất ít ỏi. Hình thái gia đình nhỏ của người Cor phát triển phổ biến, bên cạnh đó còn một ít tàn dư gia đình lớn. Tộc trưởng là người đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành đời sống gia đình, giao tiếp với khách, cùng đại diện của các gia đình khác họp bàn, giải quyết những công việc chung dưới sự chủ trì của chủ làng. Trước đây, hàng chục gia đình cùng dòng họ, hoặc thân thiết, chung sức làm thành một nhà sàn dài trên sườn đồi, bên suối nước, gần nương rẫy. Mỗi nhà sàn gọi là một nóc, mang tên người đứng đầu nóc. Mỗi nóc chia thành nhiều cửa, mỗi cửa là một bếp, mỗi bếp là một nơi cư trú của một gia đình.
Đặc trưng sinh hoạt kinh tế của người Cor là lấy kinh tế nương gẫy làm nguồn thu nhập chính. Đồng bào có nhiều giống lúa rẫy. Lúa rẫy gieo trồng vào tháng 5, thu hoạch vào tháng 10. Bắp và mì cũng được trồng trên rẫy. Bắp thường tỉa hạt vào tháng 4 và tháng 12. Đó là giống bắp hạt đỏ, hai thánh rưỡi thu hoạch, là nguồn lương thực cứu đói trong thời kỳ giáp hạt. Vùng canh tác của người Cor có độ dốc khá lớn, bị xói mòn nhanh theo những trận mưa dữ dội nên người Cor chỉ gieo trồng một vụ đã phải bỏ hoá một vài năm. Đồng bào quay vòng canh tác luân khoảnh trên diện tích khác. Loại rẫy định canh không nhiều. Đó là những mảnh đất ít dốc hay tương đối bằng, có thể sử dụng liên tục, thường để trồng thuốc lá, ngô, sắn, cây ăn quả. Với phương pháp đa canh, xen canh, rẫy cho nhiều loại sản phẩm, đáp ứng phần lớn nhu cầu thiết yếu hàng ngày, từ lương thực cho đến rau xanh, trái cây, thuốc hút, thuốc bệnh.
Vùng người Cor nổi tiếng về giống trầu không và quế. Trầu vừa nhiều vừa ngon, là một nguồn hàng quen thuộc được thương khách miền xuôi ưa thích. Trầu góp phần tăng cường quan hệ giao lưu giữa đồng bằng với vùng núi. Chính vì thế mà đồng bào Cor còn có tên gọi là tộc người Trầu. Đặc biệt, người Cor có nhiều rừng quế bạt ngàn, gồm các loại chính: quế rừng mọc tự nhiên trong núi, quý giá, nhưng hiếm; quế thanh hay quế đắng, quế bùi được trồng nhiều. Người Cor trồng cây quế bằng phương pháp ươm hạt. Mùa trồng quế có mưa nhiều, vào những tháng cuối năm. Thường trên 10 năm, thậm chí 15-20 năm, quế mới đến “tuổi” lột vỏ. Thu hoạch quế khá vất vả, phải trèo leo, nên chủ yếu là công việc của đàn ông. Người ta dùng dao tiện vòng tách vỏ ra. Vỏ quế phơi trong bóng rợp, ủ và phơi úp dưới nắng nhạt. Quế khô bó lại thành từng bó. Quế rừng được bảo quản cẩn thận hơn, thường để trong ché lớn có nắp đậy kín. Quế rừng là loại thượng hạng, đắt nhất, bởi giá trị trội vượt của nó. Quế nách được lấy từ chỗ chạc cây, chạc cành. Trong điều kiện rẫy không cung cấp đủ và ổn định được lúa và hoa màu, ít ruộng, thiếu những nghề phụ góp phần bảo đảm nuôi sống con người, nên cây quế có vai trò rất quan trọng đối với người Cor.

 

4. DÂN TỘC CA DONG
Ca Dong là tộc người có số dân đứng thứ tư trong tỉnh Quảng Ngãi.
Địa bàn cư trú của tộc người Ca Dong phân bố ở các huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), Sa Thầy, Kon Plong (Kon Tum), Trà My (Quảng Nam). Tộc người Ca Dong là một nhóm địa phương của dân tộc Xơ Đăng, thuộc ngữ hệ Môn – Khơme và thuộc nhóm ngôn ngữ Bahnaric.
Hiện nay với mức độ tài liệu hiện có, chúng ta có thể tin rằng những tộc người thuộc dân tộc Xơ Đăng có lịch sử cư trú lâu đời trên vùng đất bắc Tây Nguyên – nam Trường Sơn, trong đó tộc người Ca Dong có địa bàn cư trú phân tán nhất, có thể ban đầu địa bàn cư trú của họ nằm quanh dãy núi Ngọc Linh, chạy dài từ huyện Trà My (Quảng Nam) đến bắc Kon Plông (Kon Tum), sau đó đã có một bộ phận đến cư trú ở vùng huyện Sa Thầy, Đắk Glây (Kon Tum) và huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Việc chuyển cư của tộc người Ca Dong được lưu lại qua truyền thuyết dân gian về câu chuyện hai anh em bất hòa nhau vì ăn thịt một con dúi (con chúc), sau đó chia hai, người anh ở lại phía tây dãy Ngọc Linh trở thành tổ tiên của nhóm Ca Dong ở Sa Thầy, Đắk Glây; người em đi về phía đông phát triển nòi giống là tổ tiên của nhóm ở Sơn Tây, Trà My, Kon Plông. Người Ca Dong có truyền thuyết (amon) về nguồn gốc phát xuất của tộc người giống nhau. Đó là câu chuyện về người đàn bà duy nhất còn sống sót sau nạn đại hồng thuỷ nhờ chạy tránh lên đỉnh núi cao nhất trong vùng và người đàn bà ấy là thuỷ tổ - người mẹ của dân tộc. Tộc danh Ca Dong có nghĩa là người sống trên núi cao. Ý nghĩa của tộc danh này cũng đã phản ánh địa bàn cư trú của người Ca Dong quanh vùng núi Ngọc Linh hùng vĩ, và trên đỉnh mái nhà phía tây của tỉnh Quảng Ngãi, nơi bắt nguồn những dòng sông, suối đổ về sông Trà Khúc.
Kinh tế truyền thống của tộc người Ca Dong chủ yếu là nông nghiệp rẫy. Nông nghiệp rẫy canh tác theo kiểu luân canh luân khoảnh, tức khai phá theo chu kỳ kín, trồng trọt vụ đầu tiên, sau có thể sử dụng tiếp đến vụ hai, vụ ba, rồi bỏ hoang hóa khoảng 10-12 năm mới canh tác lại. Người Ca Dong không phát rẫy ở gần ngọn nước, đây là điều nghiêm cấm để bảo vệ nguồn nước của làng. Xưa kia mỗi gia đình có diện tích rẫy từ 7 đến 8 gùi giống. Nông lịch trồng trọt ở rẫy của người Ca Dong như sau: tháng 3, 4 phát rẫy; tháng 5, 6 đốt rẫy; tháng 7, 8, 9 trồng xen canh các loại rau củ…; tháng 10, 11, 12 thu hoạch lúa; tháng 1, 2 nghỉ ngơi ăn tết. Lúa rẫy là các giống lúa có chu kỳ từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng, gồm các loại lúa như mau thế, mau hem, mau pi, mau ka diêu, mau ka xon, mau nhiên…Trong các rẫy lúa cũng như các mảnh vườn, đồng bào thường trồng bầu, bí, rau, đậu, cây có củ, đặc biệt trên rẫy trồng loại cây pho trái có hạt cơm trắng, ăn rất ngon, có giá trị như lương thực chống đói. Rẫy được chăm sóc, làm cỏ và chống thú rừng, chim chóc bằng cách rào rẫy, săn bắn, dùng bẫy, chông, nỏ, bù nhìn, đàn nước…
Từ sau năm 1975, chính quyền địa phương đã vận động người Ca Dong chuyển dần tập quán canh tác sang làm ruộng nước. Nhờ khai phá, diện tích ruộng nước dần dần tăng lên và diện tích rẫy thu hẹp vì hiệu quả không cao. Người Ca Dong hiện nay đã làm ruộng nước thuần thục, đã được chính quyền giúp đắp đập ngăn nước chảy vào các con mương để đưa nước vào ruộng. Những thửa ruộng bậc thang nói chung không rộng lắm do địa thế đất trong vùng rất hẹp. Công cụ làm ruộng có cuốc, cày, bừa. Chăm sóc lúa đã dùng phân bón và thuốc trừ sâu. Ruộng cấy hai vụ thu hoạch năng suất tương đối khá.
Bên cạnh rẫy và ruộng, người Ca Dong còn có vườn. Vườn ở đây chiếm một vị trí khá quan trọng, nhất là việc trồng cau, thu trái bán đi các nơi trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, vườn còn cung cấp thực phẩm, rau củ cho đồng bào, làm giảm bớt lượng thức ăn do rừng cung cấp hái lượm. Trong kinh tế sản xuất của đồng bào Ca Dong, chăn nuôi đóng vai trò quan trọng. Người ta nuôi trâu, dê, heo, gà… số lượng có khi lên đến hàng đàn đông đúc. Sản phẩm chăn nuôi được dùng vào các mục đích như cung cấp thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, cho các lễ thức tín ngưỡng và cho các hoạt trao đổi buôn bán. Chăn nuôi chủ yếu theo cách thả rông.
Ngoài kinh tế sản xuất nông nghiệp, người Ca Dong còn khai thác lâm thổ sản, thuỷ sản, các ngành kinh tế này đóng vai trò quan trọng, góp phần thoả mãn nhu cầu lương thực và thực phẩm của đồng bào. Sắn bắn ở đây phát triển hơn đánh cá và hái lượm. Săn bắn là một cơ hội tích lũy các sản phẩm quý như da hổ, sừng tê, nhung hươu, xương thú… để có hàng trao đổi lấy chiêng, ché và các nhu yếu phẩm. Công cụ sử dụng trong săn bắn thường là ná được làm bằng cây long rui, mũi tên làm từ nứa, lồ ô. Ná như một vật trang sức của đàn ông, người ta rất quý trọng và đặt nó ở gian giữa nơi tiếp khách của chủ nhà. Ngoài ra, người Ca Dong có nhiều loại bẫy thú như bẫy ka rấu là loại bẫy thòng lọng, thú bị vướng bẫy chân sẽ bị buộc vào và treo lên; bẫy ka rấu mun, bẫy a kíp là loại bẫy chuột; bẫy ra năk là loại mang cung … Thịt thú rừng săn được đem về chia cho xóm làng. Người đi săn giữ lại một phần thịt và đặc biệt là xương má con thú, người ta để nó ở vị trí trang trọng nơi gian giữa của nhà.
Người Ca Dong vốn có nghề dệt vải phát triển nhưng nay đã mai một. Tất cả khố váy đều mua từ những người đồng tộc Xơ Đăng hay mua từ dân tộc Hrê. Người Ca Dong rất giỏi đan lát, những chiếc gùi mà họ đan có dáng cân đối hài hòa, hoa văn đẹp. Nghề đan lát được cha mẹ truyền dạy cho con từ nhỏ đến lúc trưởng thành, là tiêu chí quan trọng của người đàn ông trước khi lập gia đình. Người Ca Dong không có nghề làm gốm, tất cả đồ gốm đều được mua về từ bên ngoài. Đồ gốm chủ yếu là ché dùng để đựng rượu cần.
Địa bàn cư trú của người Ca Dong nằm giáp giới với vùng Tây Nguyên, có nhiều đường bộ liên thông nên thường có các cuộc trao đổi hàng hoá với miền xuôi. Người Ca Dong mua các loại chiêng, ché, vải mặc, nồi đồng, buôn bán trao đổi bằng nguồn quế, loại cây hương liệu có giá trị thương phẩm cao lúc bấy giờ. Ngoài ra, các sản phẩm chăn nuôi như trâu, bò, dê được buôn bán trao đổi cho các cư dân vùng Tây Nguyên để lấy chiêng, ché.
Đơn vị cư trú cơ bản của tộc người Ca Dong là plây (làng) hay plây pla  (làng xóm). Lớn hơn đơn vị làng xóm gọi là gung (vùng), gồm nhiều làng hợp lại. Khái niệm plây hoàn chỉnh bao hàm mỗi làng có một ranh giới (bơla) nhất định, ranh giới đó có thể là những khu rừng vô chủ. Mỗi một plây bao gồm một khu dân cư tập trung với những nóc nhà (nhe) gắn với những kho thóc của các hộ gia đình. Mỗi plây có chung một máng nước để uống, nước uống rất quan trọng và là tiêu chí chọn lựa đầu tiên khi lập một làng mới. Mỗi plây có chung một nghĩa địa rừng ma (ha năng) được coi là khu rừng thiêng. Khu rừng này phải nằm ở phía dưới nguồn nước. Quan trọng hơn, mỗi plây có chung một vùng ruộng rẫy canh tác, một vùng rừng chăn nuôi và săn bắn, một đoạn sông, suối chảy quan đất làng. Làng của người Ca Dong, các ngôi nhà sàn được quy hoạch theo cùng hướng, không cắt phá nhau nên nhìn từ xa trông rất đẹp.
Dưới plây (làng) có nóc, tập hợp một vài ngôi nhà dài. Trong mỗi nóc nhà dài có năm bảy thế hệ cùng sinh sống, đó là các tiểu gia đình trong một đại gia đình phụ hệ. Khác với nhiều cư dân Tây Nguyên và những người đồng tộc Xơ Đăng, làng của người Ca Dong không có nhà rông. Ở đây có loại hình nhà dài; mọi sinh hoạt mang tính tập thể của cộng đồng đều diễn ra ở nhà của chủ làng (k’răh plây).
Thiết chế xã hội truyền thống của người Ca Dong là một thiết chế ổn định, bền chặt. Người đứng đầu plây gọi là chủ làng. Chủ làng được cộng đồng làng chọn lựa bầu lên, là người có uy tín, nhân cách, được mọi người trong làng kính trọng, có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về luật tục và lao động sản xuất, có nhiều chiêng ché trong nhà, trâu bò nhiều ngoài rừng, được xem là gia đình giàu có. Vai trò của chủ làng trong cộng đồng tộc người Ca Dong rất lớn. Nhiệm vụ của chủ làng là chịu trách nhiệm chọn đất lập làng, chọn nguồn nước, chọn nguồn rẫy canh tác, là người có trách nhiệm cúng tế thần linh, đứng ra giải quyết các vụ việc tranh chấp, phân xử những việc vi phạm đến tập quán. Chủ làng đại diện cho làng mình trong việc giao tiếp với làng khác, chủ làng còn là người quyết định những cuộc chiến đấu giữa làng hoặc tiếp xúc với các đoàn buôn hay thương lái từ bên ngoài đến buôn bán. Khi dân làng thiếu ăn hay đau, ốm chủ làng phải giúp gạo lúa, heo gà cho người bị nạn và không bắt buộc thời hạn trả cũng như trả lãi. Chủ làng là người thường hay tổ chức lễ ăn trâu tạ ơn thần linh, đồng thời qua đó thể hiện sự giàu có của mình cũng như tập hợp những dòng họ trong làng để con cháu có thể biết được nhau. Phó chủ làng (jang k’răh plây) là người trực tiếp giúp việc cho chủ làng khi chủ làng đi vắng hay đau ốm. Tộc trưởng (k’răh nhê) là những người đứng đầu mỗi nóc nhà dài. Các tộc trưởng cùng hợp nhất thành hội đồng tộc trưởng (già làng). Hội đồng tộc trưởng cùng với chủ làng, phó chủ làng bàn thảo, quyết định một việc quan trọng nào đó trong làng. Thầy cúng (pơ dâu) là người đại diện trung gian giữa thần linh và con người. Thầy cúng biết rất nhiều bài hát cũng thần linh cùng với các nghi thức cúng tế. Làng Ca Dong là một cộng đồng gồm những thành viên có hay không cùng quan hệ huyết thống. Những thành viên không đồng tộc nếu gia nhập làng hay dâu, rể trong làng đều dựa trên nguyên tắc sống hòa mình vào cộng đồng làng, tự coi mình là người đồng tộc, là thành viên của làng, theo tập quán của làng. Tất cả các thành viên trong làng đều bình đẳng và cố kết nhau trong một khối cộng đồng làng thống nhất được quy định bởi luật tục.
Trong xã hội truyền thống của người Ca Dong đã có sự phân chia giàu nghèo, dựa trên lượng lúa gạo thu hoạch, chiêng, ché, trâu bò… Trong làng có ba loại người: người giàu, người đủ ăn và người nghèo, nhưng chưa thấy có sự bóc lột nhau. Làng Ca Dong là một cộng đồng bền chặt trên cơ sở tập quán truyền miệng từ đời này qua đời khác. Đó là một cộng đồng mà mọi thành viên đều một lòng một dạ mong muốn cho làng của mình ngày càng lớn nhanh như cây gạo và tồn tại mãi mãi như cây da, cây si.

 

III. QUAN HỆ GIỮA CÁC TỘC NGƯỜI
Từ thời tiền sử, trên vùng đất Quảng Ngãi phần nào đã có sự hợp chủng hòa huyết giữa các nhóm Nam Đảo và nhóm Nam Á. Từ thế kỷ XV trở đi, trên vùng đất Quảng Ngãi đã có sự hợp huyết nhất định giữa người Chăm bản địa và người Kinh từ miền Bắc di cư vào, giữa người thiểu số miền núi và người Kinh đồng bằng, giữa người Kinh và nhóm người Hoa di cư từ Nam Trung Hoa đến. Giữa các dân tộc anh em đã có sự giao lưu, trao đổi từ lâu đời với nhau.
Từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tinh thần đoàn kết các dân tộc trên đất Quảng Ngãi càng được phát huy mạnh mẽ. Các cụ Phó mục Gia, Chánh Nhá, Phó Nía… và nhiều chiến sĩ yêu nước, cách mạng của dân tộc Cor, Hrê, Ca Dong là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết Kinh - Thượng, đấu tranh bất khuất, sẵn sàng xả thân cứu dân, cứu nước và lý tưởng độc lập, tự do, vì hạnh phúc chung.
Các dân tộc thiểu số Quảng Ngãi cùng nằm trong một khu vực lịch sử - dân tộc học, có chung một vận mệnh lịch sử lâu đời, đã cùng nhau tham gia vào những cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột của các triều đại phong kiến và những cuộc đấu tranh chống xâm lược. Đặc biệt, sống trong vùng thiên nhiên phong phú, đa dạng nhưng vô cùng khắc nghiệt, đồng bào các dân tộc miền núi đã xây dựng nên truyền thống đoàn kết, gắn bó cùng nhau để sinh tồn. Các mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế, văn hoá, xã hội giữa các dân tộc đã có từ lâu đời. Nhưng mỗi tộc người đều có những phong tục tập quán và đặc điểm riêng.
Về kinh tế, quan hệ mua bán, trao đổi giữa các dân tộc thực hiện bằng nhiều hình thức, đã được xác lập từ lâu đời. Đồng bào trao đổi với nhau các công cụ lao động như dao, rựa, những sản vật từ săn bắt, hái lượm được hoặc những đặc sản như quế, trầu, cau, chè… Mối quan hệ giao lưu kinh tế đó diễn ra không chỉ trong nội bộ tộc người mà còn diễn ra giữa các tộc người cận cư, đặc biệt là với người Kinh để trao đổi, mua bán các sản phẩm nông, lâm nghiệp và các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống của đồng bào.
Về mặt ngôn ngữ, mỗi dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi thường không chỉ nói ngôn ngữ mẹ đẻ, mà còn biết tiếng nói các dân tộc láng giềng. Vì cùng chung hệ ngôn ngữ Môn – Khơme nên các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong rất dễ dàng hiểu tiếng nói của nhau.
Cho đến nay, sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc thiểu số đã đến mức trong các hình thức sinh hoạt văn hoá của từng tộc người thật khó phân biệt rạch ròi đâu là yếu tố bản sắc riêng của tộc người, đâu là yếu tố vay mượn. Đó là những phong tục tập quán như hội mùa, hội cồng chiêng, lễ đâm trâu hay những hình thức văn nghệ dân gian như truyện cổ, dân ca, các nhạc cụ… Các mối quan hệ giữa các dân tộc miền núi Quảng Ngãi ngày càng được củng cố và phát triển về mọi mặt, phù hợp với xu thế thời đại và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của bà con các dân tộc miền núi trên con đường hội nhập đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 
Nguồn tin : http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/Home/12790_4305/
 
   Các tin cùng mục :
   Họa tiết cổ Chùa Ông - Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi
   BIÊN NIÊN SỬ QUẢNG NGÃI 1402- 2005
   Giới thiệu Quảng Ngãi
   KIẾN TRÚC NHÀ Ở CỦA CÁC DÂN TỘC TRONG TỈNH
   KIẾN TRÚC THÀNH QUÁCH Ở QUẢNG NGÃI
   DI TÍCH VĂN HÓA SA HUỲNH - Thuộc nhóm các di tích thời đại đồ sắt
   DI TÍCH VĂN HOÁ THỜI ĐẠI TIỀN SA HUỲNH - Thuộc nhóm các di tích thời đại đồng thau
   DI TÍCH HẬU KỲ ĐÁ MỚI
   DI TÍCH THỜI ĐẠI ĐÁ CŨ
 
Bản quyền thuộc Hội Cựu Học sinh 87 Tư Nghĩa
Mọi thông tin phản hồi xin gởi về : cuuhocsinh87tunghia@gmail.com hoặc tunghia87@gmail.com